Shark Lê Hùng Anh nói chuyện khởi nghiệp đầu năm

Thanh Nam

Dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, Shark Lê Hùng Anh đã có cuộc trò chuyện về khởi nghiệp với PV Thanh Niên, trong đó vị shark này đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho người trẻ. Shark Lê Hùng Anh (37 tuổi), quê ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, là Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group. Anh rất nổi tiếng khi là một trong những vị shark ngồi ghế đầu tư ở chương trình Shark Tank Việt Nam, giúp nhiều người trẻ khởi nghiệp. Ai cũng muốn làm giám đốc, trở thành “ông này bà kia”, nhưng… Thưa anh, nhiều ý kiến băn khoăn là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm như hiện nay, người trẻ có nên khởi nghiệp? Chuyện khởi nghiệp không phụ thuộc vào yếu tố năm nào, mà quan trọng nhất là phải nhận ra thời điểm thích hợp với mình hay chưa. Hãy tự đặt câu hỏi liệu mình đã biết gì về lĩnh vực muốn khởi nghiệp? Có chuẩn bị đủ chuyên môn, kinh nghiệm, đã am hiểu về tài chính, quản trị doanh nghiệp… chưa? Đấy mới là những việc nên quan tâm. Bởi lẽ giai đoạn kinh tế thế giới suy giảm đôi khi tạo lợi thế cạnh tranh hơn là thời kỳ đỉnh cao. Khi kinh tế thế giới phát triển thì nhiều người kinh doanh thắng lợi. Nhưng rồi sau một thời gian như vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp phá sản, rời khỏi thương trường. Khi có ít doanh nghiệp trụ vững thì có thể tạo cơ hội cho người khác khởi nghiệp. Nên bối cảnh kinh tế thế giới không phải là yếu tố cần quá lưu tâm. Là chuyên gia về khởi nghiệp, lại là nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam, anh nhận định thế nào về chuyện khởi nghiệp của người trẻ hiện nay? Trước khi nền kinh tế trên đà xuống dốc thì khởi nghiệp giống như phong trào. Theo tôi phong trào này gây ra hệ lụy xã hội rất lớn, khi ai cũng muốn làm giám đốc, trở thành “ông này bà kia”… Nhưng làm chủ doanh nghiệp không phải dễ. Khởi nghiệp là rất khó, phải có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Nếu người trẻ không am hiểu và lao vào khởi nghiệp thì dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần. Tỷ lệ khởi nghiệp thành công rất thấp, dưới 10%. Và hơn 90% còn lại sẽ rời khỏi thị trường trong thời gian rất ngắn, chỉ từ 1 – 3 năm. Cho nên phải thận trọng khi khởi nghiệp chứ đừng theo phong trào. Và cũng cần nói, có nhiều người cho rằng việc kinh doanh nhỏ lẻ, mở các tiệm ăn, quán nước… cũng là khởi nghiệp là không đúng. Đó là khởi sự kinh doanh. Áp những chuyện kinh doanh nhỏ lẻ vào khởi nghiệp thì không nên, vô tình tạo ra ảo tưởng cho thế hệ trẻ. Khởi nghiệp là phải đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến, chuyển đổi số một cách triệt để. Khi đó mới tăng khả năng thành công. Theo anh, khi khởi nghiệp, người trẻ nên và không nên gì? Tôi nghĩ rằng khi khởi nghiệp, người trẻ nên bớt quá tự tin. Dù trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào thì cũng nên làm quy mô nhỏ, từ từ từng bước. Làm nhỏ nhưng phải có cái nhìn rộng. Cần có cái nhìn toàn cục, hướng đến thị trường toàn cầu. Chứ thị trường trong nước đã nhỏ mà có rất nhiều người khởi nghiệp xúm chụm vào sẽ dẫn đến tình trạng “cấu xé” tranh giành lẫn nhau; tìm mọi cách để hạ giá, đè bẹp đối thủ trong khi sản phẩm chất lượng không có. Vì thế, nên tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề, lĩnh vực khác để khai phóng thị trường, tạo ra nhu cầu mới, sản phẩm mới. Khi đó mới có cơ hội bứt phá. Chứ tập trung vào thị trường đã bão hòa, vẫn “nhảy” vào nơi có rất nhiều đối thủ đi trước ở sẵn với những sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng thì cơ hội thành công rất thấp. Khởi nghiệp lĩnh vực nào dễ thành công ? Khi khởi nghiệp, những yếu tố nào quan trọng nhất? Vốn, kiến thức, kinh nghiệm… hay là gì, thưa anh? Có một số yếu tố tiên quyết, quan trọng mà người trẻ cần lưu ý, đó là kiến thức và kinh nghiệm về ngành nghề, lĩnh vực định khởi nghiệp. Những thứ ấy có được trong quá trình học tập, tích lũy, chiêm nghiệm ngoài đời sống thực tiễn. Tôi nhận thấy nhiều người trẻ vừa tốt nghiệp đại học mà đã khởi nghiệp. Học chưa tới nơi tới chốn, vì học ở giảng đường chỉ có những kiến thức cơ bản, ngoài đời thực còn vô vàn thứ mới mẻ. Thế nên ráng đi làm, học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm, hiểu biết xã hội. Có thể sau 2 – 3 năm, hoặc 3 – 5 năm, khi đã cứng cáp trong nghề, có thêm sự hiểu biết, bản thân dần chững chạc hơn, tự tích lũy kiến thức, am hiểu về nhân sinh quan, hiểu biết hơn về quản trị tài chính, quản trị con người, cách đối nhân xử thế với anh em đồng nghiệp, bạn bè… thì hãy khởi nghiệp. Cứ từ từ chứ đừng nóng vội. Song song đó, về tài chính cũng phải có một khoản. Chứ khi bước vào khởi nghiệp dễ mất tiền. Tiền của bản thân, bố mẹ, gia đình, rồi sinh ra nợ nần, thậm chí cuộc sống mù mịt, bế tắc. Một yếu tố quan trọng nữa, đó là “biệt tài lãnh đạo”. Có người sở hữu yếu tố này nhờ bẩm sinh. Nhưng nhiều người có được từ những va vấp đã trải qua. Cần phải biết xoay xở một cách uyển chuyển trước biến động của cuộc sống, xã hội, công nghệ, thị trường… Thưa anh, nhiều người trẻ thắc mắc khởi nghiệp ở lĩnh vực gì thì dễ có cơ hội thành công? Và nếu ít vốn thì có khởi nghiệp được không? Khởi nghiệp bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào thì việc nghiên cứu thị trường là cốt lõi và quan trọng nhất. Để tăng cơ hội thành công, phải có chuyên môn, nghiên cứu thị trường, nhắm được thị trường mục tiêu. Nếu ít vốn mà “nhảy” vào thị trường lớn, nơi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, thì cơ hội thành công sẽ rất thấp. Vậy nên khi ít vốn cứ tập trung vào thị trường ngách, nhỏ. Để trước hết là giúp doanh nghiệp tồn tại. Vì khởi nghiệp là phải tồn tại. Ưu tiên số một là “doanh nghiệp phải sống”. Khi trụ vững càng lâu dài, có thêm nhiều kinh nghiệm… thì mới tính đến chuyện làm lớn. Còn việc để dễ thành công, thì sản phẩm tung ra thị trường phải độc lạ, tạo ra dấu ấn, có sự nổi trội, ưu thế về chất lượng, mẫu mã, công dụng… so với các đối thủ. Bên cạnh đó là phải có chiến lược chỉn chu, đầy đủ về công tác marketing, bán hàng, quản trị con người, quản trị chất lượng… Dù sản phẩm tốt mà công tác quảng bá yếu thì không thành công. Ngược lại, sản phẩm quá tệ, không có giá trị mà “đổ” tiền vào tiếp thị… thì cũng công dã tràng. Dưới góc nhìn của tôi về xu hướng khởi nghiệp trong 2024 và những năm tới, thì người trẻ khởi nghiệp nên tập trung vào đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mang nhiều chất xám trong đó. Có thể tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật… Chứ nếu đổ xô khởi nghiệp ở những ngành nghề đã có lâu đời, truyền thống, thì rất khó khăn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *